Mục tiêu của Đề án nhằm cung cấp công cụ đo lường, xác định và theo dõi mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp, so sánh giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành; giúp doanh nghiệp tiếp cận chuyển đổi số theo các tiêu chí định tính làm cơ sở để xây dựng kế hoạch và lộ trình chuyển đổi số phù hợp.
Đồng thời, tạo lập, cập nhật cơ sở dữ liệu về chuyển đổi số doanh nghiệp giúp các cơ quan chức năng có cơ sở đưa ra kế hoạch và giải pháp phù hợp để quản lý và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp nói chung, phát triển kinh tế số; tìm ra những điển hình thực tiễn về chuyển đổi số trong doanh nghiệp để làm bài học kinh nghiệm hoặc nhân rộng trên cả nước.
Cụ thể: Trong quyết định 2158/QĐ-BTTT ban hành ngày 07/11/2023 bao gồm 02 Phụ lục
Phụ lục 1: Áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ cụ thể như sau
1. Bộ chỉ số
Bộ chỉ số đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là một bộ các tiêu chí để doanh nghiệp tự thực hiện đánh giá mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số.
Bộ chỉ số bao gồm 07 trụ cột chính với các chỉ số thành phần, cụ thể:
STT |
Trụ cột |
Mục tiêu đánh giá |
1 |
Định hướng chiến lược |
- Nhận thức của lãnh đạo đối với lợi ích và xu hướng CĐS có ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. - Mức độ tích hợp chuyển đổi số vào chiến lược chung của doanh nghiệp. |
2 |
Trải nghiệm khách hàng và bán hàng đa kênh |
- Mức độ áp dụng công nghệ số vào tiếp thị, kênh phân phối, bán hàng để nâng cao trải nghiệm khách hàng; - Mức độ áp dụng phân tích dữ liệu để đo lường và dự báo hiệu quả hoạt động kinh doanh. |
3 |
Chuỗi cung ứng |
- Khả năng áp dụng công nghệ số để kết nối với nhu cầu của khách hàng và với các nhà cung cấp của doanh nghiệp; - Mức độ áp dụng công nghệ và phân tích dữ liệu vào các quy trình và hoạt động kinh doanh cốt lõi. |
4 |
Hệ thống công nghệ thông tin và quản trị dữ liệu |
- Năng lực và khả năng tích hợp của hệ thống công nghệ thông tin với các hệ thống khác để nâng cấp; - Khả năng cập nhật các giải pháp công nghệ mới trên thị trường; - Các quy trình, chính sách liên quan đến quản trị dữ liệu. |
5 |
Quản lý rủi ro và an ninh mạng |
- Nhận thức về các rủi ro khi thực hiện chuyển đổi số; - Mức độ áp dụng phân tích dữ liệu và các công cụ khác để đánh giá các rủi ro trong doanh nghiệp bao gồm cả rủi ro về an ninh mạng. |
6 |
Nghiệp vụ quản lý tài chính, kế toán, kế hoạch, pháp lý và nhân sự |
- Mức độ áp dụng công nghệ số vào các nghiệp vụ quản lý, tài chính, kế toán, kế hoạch, pháp lý, nhân sự; - Khả năng hỗ trợ của bộ phận tài chính, kế toán, pháp lý trong thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp. |
7 |
Con người và tổ chức |
- Mức độ linh hoạt của doanh nghiệp phản hồi lại với các thay đổi trong môi trường kinh doanh; - Năng lực của các nhân sự trong doanh nghiệp để thực hiện chuyển đổi số; - Mức độ áp dụng công nghệ để kết nối giữa các phòng ban trong doanh nghiệp. |
2. Đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng của Bộ chỉ số này là lãnh đạo các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tự đánh giá mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số của doanh nghiệp mình, đồng thời có thể xem xét đề xuất hỗ trợ phù hợp theo quy định tại Điều 11 của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa để xem xét hỗ trợ phù hợp với năng lực tiếp nhận của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
3. Thang đo xếp hạng
Dựa vào phản hồi của người tham gia khảo sát, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp được cụ thể hóa theo các cấp độ như sau:
- Cơ bản: Doanh nghiệp chưa hình thành mục tiêu hiện tại cho chuyển đổi số nhưng đã có thể thực hiện các giải pháp chuyển đổi số cơ bản để số hóa một vài quy trình nội bộ hoặc một vài sản phẩm và dịch vụ.
- Đang phát triển: Mục tiêu số hóa của doanh nghiệp đã được xây dựng và phát triển. Bên cạnh đó, một số vị trí quản lý của doanh nghiệp đã nhận thức được vai trò chuyển đổi số.
- Phát triển: Số hóa là một phần không thể thiếu trong chiến lược của doanh nghiệp. Các công việc, kế hoạch để triển khai chuyển đổi số đã được hình thành, nhưng việc đo lường và quản lý công tác thực hiện vẫn còn nhiều thách thức, chưa thật sự hiệu quả.
- Nâng cao: Chuyển đổi số được tích hợp trong toàn bộ hoạt động của tổ chức – nhưng việc mở rộng quy mô và triển khai thành công ở nhiều bộ phận vẫn còn gặp khó khăn.
- Dẫn đầu: Doanh nghiệp là nhà tiên phong trong lĩnh vực đổi mới, dẫn đầu trong mảng chuyển đổi số của ngành và đang tiến tới là doanh nghiệp số. Doanh nghiệp không ngừng đổi mới và phát triển thông qua việc nghiên cứu các mô hình kinh doanh và quản trị mới.
4. Công thức tính điểm mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp
Điểm sẵn sàng của mỗi trụ cột bằng giá trị trung vị của tất cả các mức độ của từng câu hỏi trong trụ cột đó. Điểm sẵn sàng của doanh nghiệp được tính theo công thức sau đây:
Trong đó:
R là mức độ sẵn sàng của toàn tổ chức
A, B, …G là điểm sẵn sàng của các lĩnh vực trọng tâm
a, b, … g là trọng số cho các lĩnh vực trong tâm
STT |
Trụ cột |
Trọng số (g) |
1 |
Định hướng chiến lược |
22% |
2 |
Trải nghiệm khách hàng và bán hàng đa kênh |
7% |
3 |
Chuỗi cung ứng |
33% |
4 |
Nghiệp vụ quản lý (tài chính, kế toán, kế hoạch, pháp lý và nhân sự…) |
19% |
5 |
Hệ thống CNTT và quản trị dữ liệu |
4% |
6 |
Quản lý rủi ro và an ninh mạng |
4% |
7 |
Con người và tổ chức |
11% |
|
Tổng |
100% |
Phụ lục 2: Áp dụng cho doanh nghiệp lớn
1. Bộ chỉ số
Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số cho doanh nghiệp lớn là bộ các tiêu chí đánh giá nâng cao để các doanh nghiệp tự thực hiện hoặc thông qua tư vấn viên thuộc Mạng lưới tư vấn viên được công nhận giữa hai Bộ thực hiện đánh giá. Các tiêu chí được xây dựng ở mức độ nâng cao, bám sát vào các hoạt động của doanh nghiệp lớn, có tính hệ thống để đánh giá mức độ chuyển đổi số.
Cấu trúc Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp lớn được chia thành 06 trụ cột (Dimension) gồm:
(1) Khách hàng: gồm 04 nhóm tiêu chí, 25 tiêu chí thành phần;
(2) Chiến lược: gồm 06 nhóm tiêu chí, 24 tiêu chí thành phần;
(3) Công nghệ: gồm 05 nhóm tiêu chí, 29 tiêu chí thành phần;
(4) Vận hành: gồm 04 nhóm tiêu chí, 22 tiêu chí thành phần;
(5) Văn hóa: gồm 03 nhóm tiêu chí, 22 tiêu chí thành phần;
(6) Dữ liệu: gồm 03 nhóm tiêu chí, 18 tiêu chí thành phần.
2. Đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng cho các doanh nghiệp lớn, hợp tác xã quy mô thành viên hoặc quy mô tổng nguồn vốn lớn.
Khuyến khích các doanh nghiệp quy mô vừa có thể sử dụng Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp lớn để đánh giá từ đó có cái nhìn sâu hơn hơn để thực hiện chuyển đổi số, hướng tới việc trở thành doanh nghiệp lớn.
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác có thể tham khảo sử dụng Bộ chỉ số DBI để đánh giá xác định mức độ chuyển đổi số của mình.
3. Thang đo xếp hạng
Dựa vào tổng điểm đánh giá, các mức độ chuyển đổi số được phiên ra các mức (Level) như sau:
- Mức 1 – Khởi động: Doanh nghiệp chưa thực hiện chuyển đổi số, hoặc có thực hiện ở mức độ sự vụ, chưa có quy trình, định hướng, hoặc đã có định hướng nhưng tỷ lệ chuyển đổi trên phạm vi doanh nghiệp nhỏ hơn 25%.
- Mức 2 – Bắt đầu: Doanh nghiệp đã nhận thức được sự quan trọng của chuyển đổi số theo các trụ cột và bắt đầu có các hoạt động chuyển đổi số doanh nghiệp trong từng trụ cột của chuyển đổi số. Tỷ lệ chuyển đổi trên phạm vi doanh nghiệp trong khoảng từ 25% đến dưới 50%. Chuyển đổi số bắt đầu đem lại lợi ích trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như trải nghiệm của khách hàng;
- Mức 3 – Hình thành: Việc chuyển đổi số doanh nghiệp đã cơ bản được hình thành theo các trụ cột ở các bộ phận, đem lại lợi ích và hiệu quả thiết thực cho các hoạt động của doanh nghiệp cũng như trải nghiệm của khách hàng. Tỷ lệ chuyển đổi trên phạm vi doanh nghiệp trong khoảng từ 50% đến dưới 75%. Doanh nghiệp đạt chuyển đổi số mức 3 là bắt đầu hình thành doanh nghiệp số.
- Mức 4 – Nâng cao: Chuyển đổi số của doanh nghiệp được nâng cao một bước. Nền tảng số, công nghệ số, dữ liệu số giúp tối ưu nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và trải nghiệm khách hàng, tỷ lệ chuyển đổi trên phạm vi doanh nghiệp trong khoảng từ 75% đến dưới 100%. Doanh nghiệp đạt chuyển đổi số mức 4 cơ bản trở thành doanh nghiệp số, với một số mô thức kinh doanh chính dựa trên nền tảng số và dữ liệu số.
- Mức 5 – Dẫn dắt: Chuyển đổi số doanh nghiệp đạt mức độ hoàn thiện, doanh nghiệp thực sự trở thành doanh nghiệp số với hầu hết phương thức kinh doanh, mô hình kinh doanh chủ yếu dựa trên và được dẫn dắt bởi nền tảng số và dữ liệu số, tỷ lệ chuyển đổi trên phạm vi doanh nghiệp là 100%. Doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt chuyển đổi số, tạo lập hệ sinh thái doanh nghiệp số vệ tinh.
4. Nguyên tắc và cách tính điểm chuyển đổi số
a) Nguyên tắc tính điểm đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp
- Mỗi bộ phận, đơn vị chức năng sẽ lựa chọn các tiêu chí đánh giá phù hợp với chức năng nhiệm vụ của bộ phận, đơn vị chức năng đó. Nếu bộ phận, đơn vị chức năng không có chức năng nhiệm vụ liên quan đến tiêu chí nào thì bỏ qua không đánh giá tiêu chí đó (không tính vào điểm bình quân).
- Tính điểm đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc từ dưới lên theo thứ tự: từ điểm tiêu chí đến điểm nhóm tiêu chí rồi đến điểm trụ cột; từ đó tính điểm của bộ phận, đơn vị chức năng; tính điểm tổng thể doanh nghiệp. Phương pháp trung bình cộng được áp dụng dựa trên điểm chấm của các tiêu chí để xác định điểm của nhóm tiêu chí, điểm các trụ cột, điểm các bộ phận, đơn vị chức năng và điểm tổng thể của doanh nghiệp. Cụ thể cách tính điểm như bảng dưới đây:
Mức độ |
Thang điểm cho từng tiêu chí (tính theo tỷ lệ % hoàn thành các nhiệm vụ theo từng tiêu chí) |
Thang điểm của từng trụ cột (tính theo điểm % bình quân của các tiêu chí thành phần trong trụ cột) |
Thang điểm cho bộ phân, đơn vị chức năng (tính theo điểm % bình quân các tiêu chí thành phần trong bộ phận, đơn vị chức năng) |
Thang điểm tổng thể cho doanh nghiệp (tính theo điểm % bình quân của các bộ phận, đơn vị chức năng) |
Mô tả mức độ |
1 |
[0 - < 25%] |
[0 - < 25%] |
[0 - < 25%] |
[0 - < 25%] |
Khởi động |
2 |
[25% - < 50%] |
[25% - < 50%] |
[25% - < 50%] |
[25% - < 50%] |
Bắt đầu |
3 |
[50% - < 75%] |
[50% - < 75%] |
[50% - < 75%] |
[50% - < 75%] |
Hình thành |
4 |
[75%-< 100%] |
[75%-< 100%] |
[75% - < 100%] |
[75% - < 100%] |
Nâng cao |
5 |
100% |
100% |
100% |
100% |
Dẫn dắt |
b) Nguyên tắc tính điểm đối với loại hình nhóm công ty (tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty hoạt động theo mô hinh công ty mẹ, công ty con)
- Đối với loại hình nhóm công ty như tập đoàn kinh tế, tổng công ty có công ty mẹ, công ty con và các công ty thành viên khác đánh giá dựa trên nguyên tắc:
+ Đánh giá và tính điểm của từng công ty con, công ty thành viên trước làm cơ sở để đánh giá và tính điểm tổng hợp của nhóm công ty tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty mẹ.
+ Điểm tổng hợp của nhóm công ty tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty mẹ được tính theo công thức bình quân gia quyền, với trọng số chính là tỷ lệ sở hữu của tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty mẹ đối với mỗi công ty con, công ty thành viên.
Trong đó:
là điểm chuyển đổi số của công ty con, công ty thành viên thứ i
là trọng số bình quân gia quyền, chính là tỷ lệ sở hữu của Tổng công ty, công ty mẹ đối với công ty con, công ty thành viên thứ i tương ứng.
( Chi tiết về quyết định này và cách thức vận hành theo Bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số đề nghị liên hệ lại với idas)